Họ là những người thợ. Văn phòng làm việc của họ hầu hết là ở ngoài công trường. Công việc chính của họ là hàng ngày kiểm tra theo dõi những biến chuyển trong thi công công trình. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp họ trên đường với những dụng cụ như chiếc compa đại, ngắm nghía, để có thể đặt chính xác đến từng milimet tòa nhà hay những con đường theo quy hoạch. Để biết họ là ai, chúng ta hãy đến với ngành “ Công nghệ kỹ thuật trắc địa ”
- Khái niệm chung nhất về “Công nghệ kỹ thuật trắc địa”
Khái quát nhất thì: “Trắc địa” là một lĩnh vực khoa học về các phương pháp, phương tiện đo đạc và xử lý số liệu nhằm xác định hình dạng, kích thước trái đất; thành lập bản đồ, bình đồ, mặt cắt địa hình phục vụ xây dựng các loại công trình, đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế quốc dân và quốc phòng.
Mục tiêu đào tạo
* Về kiến thức:
– Có hiểu biết sâu về kiến thức cơ sở của ngành, gồm: Trắc địa cơ sở, Cơ sở toán học xử lý số liệu trắc địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu chuyên sâu, tiếp cận dễ dàng với công nghệ mới;
– Có kiến thức chuyên ngành sâu phù hợp với yêu cầu của sản xuất như: Thành lập lưới khống chế Trắc địa, Thành lập bản đồ, Tin học ứng dụng, Trắc địa công trình Giao thông – Thủy lợi, Trắc địa công trình Công nghiệp – Thành phố, Trắc địa công trình ngầm, Quan trắc chuyển dịch và biến dạng công trình, Trắc địa biển;
– Có khả năng tự cập nhật kiến thức về Công nghệ kỹ thuật Trắc địa.
* Về kỹ năng:
– Sử dụng được các loại máy trắc địa thông dụng;
– Thiết kế, đo đạc và xử lý được lưới khống chế trắc địa các cấp, hạng;
– Tổ chức thi công được các phương án khảo sát, đo vẽ bản đồ địa hình, bản đồ địa chính và các phương án khảo sát, đo đạc các loại công trình như công trình công nghiệp – thành phố, công trình xây dựng nhà cao tầng, công trình giao thông, công trình thuỷ lợi, công trình điện – thuỷ điện, công trình ngầm và công trình thăm dò, khai thác khoáng sản,…Kết thúc quá trình khảo sát, lập được báo cáo kỹ thuật.
– Sử dụng được các phần mềm xử lý số liệu và vẽ bản đồ thông dụng trong trắc địa;
– Có kỹ năng làm việc độc lập và tổ chức thực hiện công việc theo nhóm (tổ, đội) sản xuất.
- Cơ hội nghề nghiệp cho ngành Công nghệ kỹ thuật trắc địa
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm nhân viên kỹ thuật tại các cơ quan, đơn vị sau:
– Các sở, phòng Tài nguyên môi trường và ban địa chính (xã, phường);
– Các công ty đo đạc bản đồ, công ty tư vấn khảo sát thiết kế và các đơn vị thi công công trình như công trình công nghiệp – thành phố, xây dựng nhà cao tầng, công trình ngầm, công trình giao thông, thủy lợi, công trình điện và thủy điện,…;
– Các Liên đoàn, đoàn địa chất, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên nước;
– Các công ty khác có liên quan đến lĩnh vực Trắc địa – Bản đồ.
Một số kiến thức chuyên ngành chính: Tin học trắc địa, Bản đồ học, Trắc địa cao cấp, Thực tập trắc địa cao cấp, Đo đạc điện tử, Cơ sở trắc địa công trình, TĐCT công nghiệp và thành phố, TĐCT giao thông và thủy lợi, An toàn LĐ và TCSX TĐ, Quan trắc chuyển dịch, biến dạng công trình, Trắc địa biển, Trắc địa công trình ngầm, Công nghệ GPS.’