Quy trình trám lấp giếng không sử dụng

  1. Đặt vấn đề

Nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, trong đó nước dưới đất là nguồn đang được khai thác chủ yếu cho mục đích ăn uống sinh hoạt và các mục đích khác. Để có nước phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, tưới tiêu cho các khu vực trọng điểm về hạn hán, giải pháp sử dụng nước ngầm bằng các giếng đào, giếng khoan được cho là hiệu quả nhất, đặc biệt là giếng khoan.

Nước dưới đất chủ yếu chứa trong tầng lỗ hổng và các khe nứt, đứt gãy kiến tạo, đới dập vỡ. Để tiếp cận nguồn nước dưới đất bằng các phương pháp khoan, đào hiện nay được cho là rất phổ biến.

Trong các loại giếng nêu trên, có những giếng đang được sử dụng, có giếng không sử dụng. Những giếng khoan thi công không có thiết kế, không được các cơ quan chức năng phê duyệt, đặc biệt những giếng không sử dụng, không được trám lấp là những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm từ nguồn nước trên mặt. Chưa kể trong các tầng chứa nước còn có các tầng chứa nước có chất lượng xấu và tốt nằm xen kẽ nhau, các tầng nước sẽ thông với nhau qua đường ống giếng, phần nước có chất lượng xấu sẽ hòa trộn với nước có chất lượng tốt làm ô nhiễm tầng chứa nước hoặc giảm chất lượng nguồn nước dưới đất.

  1. Căn cứ pháp lý thực hiện trám lấp giếng không sử dụng

– Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13;

– Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;

– Chỉ thị số 02/CT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất;

– Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc bảo vệ nước dưới đất;

– Thông tư số: 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc xử lý trám lấp giếng không sử dụng;

  1. Nội dung nhiệm vụ trám lấp giếng không sử dụng

3.1. Đối tượng thực hiện

Giếng không có nhu cầu sử dụng được phân loại để trám lấp quy định tại điều 4 của Thông tư số: 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể:

– Đối với các giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp không phải xin phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bao gồm các giếng không sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Giếng có thể tiếp tục khai thác, nhưng chủ giếng không có nhu cầu tiếp tục khai thác, sử dụng nước và không có kế hoạch để sử dụng cho các mục
    đích khác;
  2. b) Giếng không sử dụng nằm trong phạm vi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mà tổ chức, cá nhân nhận bàn giao mặt bằng không sử dụng;
  3. c) Giếng bị hỏng không khắc phục được; giếng không thể tiếp tục khai thác do bị ô nhiễm, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu cho mục đích sử dụng hoặc do các nguyên nhân khác;
  4. d) Giếng mà chủ giếng vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật.

– Đối với các giếng khai thác nước dưới đất của công trình khai thác thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước (sau đây gọi tắt là giấy phép) theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bao gồm các giếng không sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. a) Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép, nhưng chủ giấy phép trả lại giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép, trong đó có việc điều chỉnh giếng khai thác hoặc giếng quan trắc hoặc giấy phép bị thu hồi vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và đã được Nhà nước bồi thường, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

Đối với trường hợp quy định tại Điểm này thì việc xử lý, trám lấp giếng được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc trả lại, thu hồi hoặc điều chỉnh giấy phép theo quy định của pháp luật.

  1. b) Giếng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước mà không có giấy phép và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật;
  2. c) Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước mà không đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn giấy phép và có yêu cầu phải trám lấp giếng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

– Đối với các giếng không sử dụng không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, bao gồm:

  1. a) Giếng khoan thăm dò nước dưới đất mà chủ giấy phép xác định đã hoàn thành nhiệm vụ và không sử dụng để khai thác hoặc quan trắc;
  2. b) Giếng khoan quan trắc nước dưới đất của mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mà đơn vị quản lý, vận hành xác định đã bị hỏng, không thể khắc phục hoặc phải thay đổi vị trí hoặc vì các lý do khác mà không thể tiếp tục quan trắc;
  3. c) Giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất mà đơn vị thực hiện dự án xác định đã sử dụng xong và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác;
  4. d) Giếng sử dụng để tháo khô mỏ, hố móng, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản; giếng khoan khảo sát địa chất công trình (trừ giếng khoan thuộc phạm vi hố móng và được thi công ngay sau đó) mà chủ giếng xác định đã sử dụng xong và không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng;

đ) Giếng tồn tại trên thực tế nhưng không sử dụng và không xác định được chủ giếng;

  1. e) Giếng khoan gây ra sự cố sụt, lún đất, làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nước dưới đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực lân cận;
  2. g) Giếng khoan bị sự cố trong quá trình khoan và không thể khắc phục được hoặc giếng khoan chưa hoàn thành nhưng buộc phải thay đổi vị trí khoan.

3.2. Phạm vi thực hiện

Nhiệm vụ được triển khai thực hiện trên những địa bàn có giếng không sử dụng chưa được trám lấp.

3.3. Nội dung và trình tự thực hiện

  1. Thu thập các thông tin tài liệu tại các sở ban ngành có liên quan đến khai thác sử dụng nước phục vụ công tác điều tra

– Mục đích xác định các khu vực tập trung giếng khoan, giếng đào và các đối tượng điều tra để bố trí lộ trình phục vụ công tác điều tra chi tiết.

– Nhiệm vụ: Thu thập, tổng hợp các tài liệu địa chất thủy văn, bản đồ khu vực, các báo cáo liên quan, thu thập một số thông tin chung về giếng như: giếng khoan, giếng đào hay các loại giếng khác,  giếng có chủ hay không có chủ (nếu có chủ,  nêu tên chủ chủ giếng), giếng còn sử dụng hay không còn sử dụng…

– Phương pháp thực hiện: Điều tra, khảo sát thu thập các thông tin tài liệu liên qua đến các dự án tại các sở ban ngành, địa phương trên địa bàn có giếng cần được trám lấp.

– Tổng hợp và xử lý phân tích tài liệu

Trên  cơ sở thông tin thu thập tiến hành tổng hợp,  xử lý và xây dựng kế hoạch điều tra chi tiết.

  1. Điều tra khảo sát thực địa

Khảo Sát thực địa nhằm xác định số lượng, vị trí, hiện trạng các giếng không sử còn sử dụng .

  1. Điều tra, khảo sát hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại các xã/ phường nhằm xác định danh mục các giếng phải trám lấp.

– Mục đích: Xác định danh mục giếng khoan, giếng đào và các loại giếng khác thuộc đối tượng cần phải trám lấp.

– Nhiệm vụ:

+ Điều tra thu thập thông tin theo phiếu điều tra gồm các thông tin: chủ hộ, loại giếng, chiều sâu, đường kính và các thông tin về  loại giếng phải trám lấp.

+ Xử lý, tổng hợp điều tra tại thực địa xã/ phường phục vụ công tác điều tra chi tiết một số loại giếng phải trám lấp tại xã/ phường.

– Phương pháp thực hiện: Điều tra khảo sát thực địa, tổng hợp phân loại theo tiêu chí giếng  phải trám lấp theo qui định.

– Khối lượng thực hiện: Điều tra khảo sát thực địa thông qua các cán bộ thôn về các giếng không sử dụng phải xử lý trám lấp theo kết quả thu thập được từ các xã/ phường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Công việc này phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường các huyện, UBND các xã/ phường để thực hiện.

  1. Điều tra, khảo sát chi tiết tại một số giếng phải trám lấp tại các xã sau khi có danh mục giếng phải trám lấp phục vụ lập phương án trám lấp.

– Mục đích: Xác định tọa độ, thông tin liên quan đến điều kiện thi  công trám lấp giếng thuộc danh mục phải trám lấp, phục vụ lập kế hoạch trám lấp giếng.

– Nhiệm vụ: Điều tra chi tiết tại giếng thuộc danh mục phải trám lấp: Chủ hộ, xác định tọa độ bằng GPS cầm tay, loại giếng, chiều sâu, đường kính, các điều kiện khác liên quan đến kế hoạch trám lấp.

– Phương pháp thực hiện: Điều tra, khảo sát thực địa thu thập thông tin.

– Khối lượng: Tất cả các giếng thuộc danh mục phải trám lấp (gồm giếng khoan, giếng đào)

  1. Xử lý kết quả điều tra:

Kết quả điều tra khảo sát thực địa, các tài liệu thu thập trong quá trình điều tra sẽ được tổng hợp báo cáo gồm: Vị trí, số lượng, Cấu trúc, địa tầng giếng, điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, điều kiện gia thông, khả năng vận chuyển máy móc, vật liệu của từng giếng. Việc thống kê được thực hiện theo địa bàn từng xã, huyện.

– Trên cơ sở các phiếu điều tra thực địa các tài liệu thu thập được về các giếng, tiến hành phân loại các giếng theo đường kính chiều sâu, tầng chứa nước khai thác, thống kê số lượng từng loại giếng (Việc phân loại giếng theo điều 4 của Thông tư số: 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).

– Lập danh mục toàn bộ giếng không sử dụng theo kết quả điều tra.

– Xác định sơ bộ địa tầng, cấu trúc giếng để làm cơ  sở cho việc lập phương án trám lấp theo đúng quy trình kỹ thuật.

– Công bố danh mục các giếng không sử dụng cần phải trám lấp: là những giếng các nguy cơ ô nhiễm cao, trong đó phân thành những giếng chủ sử dụng phải trám lấp và các giếng do Nhà nước bỏ tiền trám lấp.

  1. Thực hiện phương án trám lấp:

Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn đơn vị thi công trám lấp lập Phương án trám lấp giếng khoan cho từng huyện theo mẫu phụ lục mẫu phương án trám lấp giếng không sử dụng (Ban hành kèm theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)  trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định phân cấp của UBND tỉnh để thực hiện.

Nội dung thực hiện của phương án trám lấp:

  1. a) Mô tả đặc điểm giếng

– Chiều sâu, đường kính giếng khoan, đường kính ống chống, ống lọc, cột địa tầng giếng khoan…

  1. b) Vật liệu trám lấp

– Theo qui định vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, gồm hỗn hợp vữa hoặc vật liệu dạng viên như sau:

+ Hỗn hợp vữa, gồm: vữa xi măng; vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit; vữa bentonit, sét tự nhiên; vữa được trộn bằng các vật liệu khác có tính chất đông kết, trương nở tương đương với sét tự nhiên;

+ Vật liệu dạng viên, gồm: sét tự nhiên dạng viên; vật liệu dạng viên khác có tính chất thấm nước, trương nở tương đương với sét tự nhiên. Vật liệu dạng viên phải bảo đảm có dạng hình cầu và kích thước không lớn hơn 0,25 lần đường kính nhỏ nhất của giếng khoan hoặc đường kính trong của đoạn ống nhỏ nhất.

  1. c) Thiết bị, dụng cụ chủ yếu để trám lấp

– Thiết bị nhổ ống

– Thiết bị trộn vữa, thiết bị trám lấp vật liệu dạng lỏng,

– Thiết bị, dụng cụ đầm nén

Quy trình thực hiện trám lấp:

Tuỳ điều kiện cụ thể từng giếng, chiều sâu, đường kính, thiết bị, dụng cụ sử dụng để trám lấp, quy trình thực hiện trám lấp bao gồm các nội dung sau:

  1. a) Chuẩn bị trám lấp

Trước khi trám lấp, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các xã, thị trấn có giếng trám lấp lập danh sách các giếng phải trám lấp trên cơ sở khối lượng đã điều tra, tổng hợp, ra thông báo trám lấp với các chủ giếng. Trong trường hợp không đủ nguồn kinh phí bố trí trám lấp thì cần tiến hành trám lấp các giếng có nguy cơ ô nhiễm cao trước, đến giếng thuộc phạm vị thu hồi đất, giếng bị hư hỏng, giếng thăm dò nước dưới đất, giếng quan trắc địa chất thủy văn đã hoàn thành nhiệm vụ và không có nhu cầu sử dụng tiếp, sau cùng là loại hình giếng không sử dụng trên 1 năm.

Đo đạc, tính toán lượng vật liệu trám cần thiết cho từng giếng. Chuẩn bị vật liệu trám thích hợp cho từng địa tầng giếng.

Kiểm tra khối lượng vật liệu trám từng đoạn trám bằng cách so sánh thể tích của đoạn cần trám và số lượng vật liệu đã sử dụng.

Vận chuyển vật liệu trám lấp tập kết đến từng cụm giếng phải trám lấp. Từ đây sẽ vận chuyển thô sơ đến từng giếng phải trám lấp.

  1. b) Thi công trám lấp

Việc thi công trám lấp tiến hành theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng (những giếng bị lấp bởi rác, cây, . . . phải vét sạch). Vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn, chiều dài mỗi đoạn trám ≤1,0m. Kết thúc mỗi đoạn, đầm nén vật liệu trám bằng đầm cóc (đối với giếng đào) hoặc cần khoan, quả tạ (đối với giếng khoan) cho đến khi vật liệu lấp đạt độ chặt K= 0,85. Sau đó đổ bê tông đoạn từ 1m (tính từ phía dưới bề mặt địa hình đối với giếng khoan) và từ 0,3m (đối với giếng đào) đến 0,1m trên bề mặt địa hình; gắn số hiệu giếng đã trám lấp.

Các giếng khoan khai thác, thăm dò nước dưới đất được kết cấu bằng ống nhựa PVC trước khi trám lấp cần nhổ phần ống kết cấu giếng lên sau đó mới tiến hành trám lấp.

Các giếng đào có nước nhiều trước khi thi công phải bơm cạn nước trong giếng mới tiến lành lấp.

  1. Kết luận:

Nhiệm vụ trám lấp giếng không sử dụng nhằm phòng ngừa nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. Vấn đề đặt ra là sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng đến môi trường nước dưới đất.

Nguồn kinh phí để thực hiện quá trình trám lấp giếng không sử dụng là vấn đề khó khăn đối với các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn liên quan.

Kế hoạch, biện pháp, quy trình trám lấp giếng không sử dụng được thực hiện theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tài liệu tham khảo

[1] Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13;

[2]  Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ” Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước”.

[3]  Chỉ thị số 02/CT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ”về việc tăng cường công tác quản lý tài”

[4] Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng”

[5] Trương Biên , Vũ Đình Hiền, Cấn Văn Ngư, Trần Văn Bản Công nghệ khoan thăm dò lấy mẫu Hà Nội-1998- Nhà xuất bản giao thông vận tải.

                                                                                                                                                                Ths. Đào Hiệp

Gọi điện thoại
0905953746