Dạy học tích hợp tại Khoa Công nghệ Hoá – TN&MT

Dạy tích hợp là định hướng về nội dung và phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống, người công dân, người lao động trong tương lai.
1. Lợi ích của việc dạy học tích hợp với học sinh có thể là:
– Đáp ứng sở thích, phong cách học tập của học sinh tốt
Đây là một trong những lợi ích tích cực mà phương pháp dạy học này đem lại. Bởi mỗi học sinh, sinh viên đều có những sở thích, mong muốn và phong cách học tập riêng. Việc áp dụng giải pháp dạy học này giúp các em có cơ hội được lựa chọn cách học phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả học tập tốt nhất cho mình mà không làm ảnh hưởng đến các bạn khác.
– Khơi nguồn cảm hứng học tập cho các em
Với nội dung bám sát với thực tiễn khách quan kết hợp với các phương pháp trực quan, sinh động, các bài giảng trở nên sinh động, có sức hút với các em học sinh hơn, xóa bỏ cảm giác nhàm chán, buồn ngủ khi áp dụng cách học truyền thống cũ. Từ đó, tạo động lực cho các em thỏa sức sáng tạo, tư duy, giúp các em có hứng thú, tập trung học tập hơn.
– Xóa tan tình trạng học vẹt
Với việc tiếp thu và vận dụng ngay những kiến thức học tập để giải quyết những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, sẽ hạn chế đáng kể tình trạng học vẹt, học trước quên sau ở các em.
– Thấy mình được quan tâm hơn
Nếu với phương pháp học truyền thống cũ, giáo viên thường ưu tiên chọn hướng bài giảng đến đám đông học sinh với ý nghĩ rằng ít nhất sẽ dạy tốt cho phần đông các em trong lớp. Điều này khiến số ít học sinh còn lại cảm thấy bơ vơ, không được kèm cặp và ngày càng không theo kịp tiến độ học tập trên lớp.
Với dạy học tích hợp thì hoàn toàn khác. Nó cho phép giáo viên có nhiều thời gian quan tâm và chỉ bảo sát sao cho từng học sinh trong lớp, giúp các em có sự phát triển năng lực đồng đều, đạt được sự tiến bộ tốt.
– Giúp các em trở nên tự tin hơn
Với việc có thời gian để chuẩn bị và luyện tập trước khi đến lớp và ôn lại bài tập sau giờ học, các em học sinh sẽ không còn cảm thấy sợ hãi khi trình bày trước đám đông, giúp các em tự tin hơn, năng động hơn.
– Khuyến khích tìm tòi, khám phá và phát triển tính tự chủ
Với phương pháp học đặc biệt này, các em không chỉ tìm những thứ mình muốn mà còn được “va chạm” với những kiến thức bất tận khác để tự củng cố, đối chiếu và phát triển kiến thức tốt hơn. Dần dần, các em sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào giáo viên mà trở nên tự tin, độc lập, tự chủ hơn.
2. Áp dụng dạy học tích hợp của giảng viên tại Phòng thí nghiệm Hoá – Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung:
Trong quá trình giảng dạy tại phòng thí nghiệm giảng viên thao tác mẫu, học sinh quan sát theo dõi.

 

Hình 1. GV thao tác mẫu, SV quan sát và làm theo     Hình 2. Từng SV làm theo, GV quan sát uốn nắn các thao tác của SV
Để đạt được kết quả tốt khi thực hiện phương pháp giảng dạy tích hợp, giảng viên cần phải:
– Xây dựng nội dung, ý chính để giảng dạy truyền đạt;
– Quan sát được năng lực, trình độ của học sinh trong từng nội dung để thực hiện nâng cao kiến thức;
– Tổ chức, định hướng, biên soạn các câu hỏi, bài tập tích hợp để đánh giá trình độ của học sinh;
– Biên soạn giáo án, thiết kế bài giảng khoa học, sáng tạo, linh hoạt giúp học sinh hứng thú trải nghiệm trong các giờ thực hành.
Việc áp dụng phương pháp dạy học tích hợp giúp các em học sinh, sinh viên có cơ hội phát triển năng lực toàn diện, rút ngắn quá trình tổng hợp, giúp giảm tải chương trình học, tạo tiền đề hội nhập quốc tế vững vàng.

Giảng viên: ThS. Đào Thị Sương

 

Gọi điện thoại
0905953746